Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa hoàn tất dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi. Trong đó, đáng lưu ý là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất nới rộng khung thỏa thuận giữa người sử dụng lao động (NSDLĐ) và người lao động (NLĐ) về giờ làm thêm tăng lên tối đa 400 giờ mỗi năm (thay vì không quá 300 giờ như quy định hiện hành). Đề xuất này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Tăng ca do nhu cầu cuộc sống thúc ép
Một thực tế không thể phủ nhận là mức lương tối thiểu hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu tối thiểu của NLĐ và gia đình, buộc họ phải tăng ca để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Rõ ràng, tăng ca là điều không một công nhân (CN) nào mong muốn mà là do cuộc sống thúc ép.
Chị Lê Thị Trúc - CN một doanh nghiệp (DN) chuyên may gia công tại quận Bình Tân, TP HCM - chia sẻ: "Lập gia đình và có con nhỏ, chúng tôi rất muốn về sớm để có thời gian chăm sóc gia đình. Nếu luật cho phép tăng số giờ làm thêm thì DN sẽ có cơ sở để yêu cầu CN làm thêm nhiều hơn, như vậy sẽ gây xáo trộn đến đời sống CN. Tôi nghĩ ban soạn thảo phải tính toán kỹ với đề xuất này, nếu tăng ca nhiều sẽ để lại nhiều hệ lụy".
Việc nới rộng khung giờ làm thêm phải tính toán đến sức khỏe người lao động Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Chị Lê Thị Thu đang làm việc tại KCX Linh Trung I (quận Thủ Đức, TP HCM) bộc bạch: "Ngoài mức lương cơ bản khoảng 4,5 triệu đồng/tháng, cộng thêm tiền tăng ca khoảng 1,5 triệu đồng và các khoản phụ cấp, mỗi tháng thu nhập của tôi chưa đến 7 triệu đồng. Khoản thu nhập này vẫn không đủ trang trải chi phí sinh hoạt. Việc tăng ca nhiều cũng khiến CN không có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động" - chị Thu cho biết. Theo chị Thu, để bảo đảm sức khỏe cho NLĐ, không nên mở rộng khung giờ làm thêm mà chỉ nên giữ nguyên quy định hiện hành.
Cần quy định rõ từng ngành nghề
Theo các chuyên gia lao động, nhu cầu làm thêm chủ yếu rơi vào nhóm DN thâm dụng lao động (dệt may, giày da). Đơn hàng từ đối tác của nhóm các DN này thường không ổn định dẫn đến việc phải hoàn thành gấp, từ đó chủ sử dụng lao động buộc phải thỏa thuận tăng ca với NLĐ. Khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho thấy ngành may là điển hình của tình trạng tăng ca nhiều. Thời gian tăng ca trung bình từ 47- 60 giờ/tháng (quy định là 30 giờ/tháng). Tính trung bình, các DN đã cho NLĐ làm thêm giờ lên tới 500 giờ/năm, thậm chí 600 giờ/năm.
Theo luật sư Đặng Anh Đức (Giám đốc Công ty Luật TNHH Đặng và Cộng sự), quy định về giờ làm thêm như trong luật hiện hành chưa phù hợp với thực tế. Ở một số ngành nghề như dệt may, da giày, chế biến thủy sản..., công việc phụ thuộc chủ yếu vào đơn hàng. Khi đơn hàng gấp thì DN buộc phải huy động NLĐ làm thêm giờ. Do vậy, khi tính toán nới rộng khung giờ làm thêm, cần quy định rõ từng ngành nghề được phép áp dụng tối đa số giờ làm thêm ở mức 400 giờ/năm. "Trong trường hợp cần hoàn thành gấp đơn hàng, DN cần thỏa thuận tăng ca với NLĐ. Nếu đạt được sự đồng thuận với NLĐ, DN cũng phải bảo đảm tiền lương làm thêm giờ của NLĐ được trả lũy tiến" - luật sư Đức góp ý.
Ở góc nhìn của NSDLĐ, ông Trương Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Toàn Thắng (100% vốn nước ngoài; KCN Bình Chiểu; quận Thủ Đức, TP HCM), cho rằng việc nới rộng khung giờ làm thêm với điều kiện có sự đồng thuận của NSDLĐ và NLĐ là giải pháp tốt cho cả hai phía. "Nếu trường hợp NLĐ có đủ sức khỏe và mong muốn làm thêm giờ để cải thiện thu nhập trong khi DN đang có nhu cầu thì đây là cơ hội để cả hai bên cùng có lợi. Tuy nhiên, trách nhiệm của DN là phải bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho NLĐ khi làm thêm giờ" - ông Trương Hữu Nghĩa bày tỏ. Cũng theo ông Nghĩa, để giải quyết những khó khăn đột xuất của các DN, ban soạn thảo có thể nghiên cứu bỏ giới hạn làm thêm giờ trong tháng (30 giờ/tháng).
NPV